Việt Nam chuẩn bị bản đệ trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Hòa Bình, 11/8/2023 – Đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường (BTNMT) cùng các bộ ngành liên quan, các đối tác doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế thuộc mạng lưới của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), đã thảo luận về tiến trình hướng tới Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa. Các đại biểu được cập nhật những kết quả nổi bật từ Phiên thứ 2 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-2) cho Thỏa thuận, cũng như chia sẻ các khuyến nghị và giải pháp thiết thực nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa như đề xuất đầu vào cho bản đệ trình của Việt Nam về nội dung Dự thảo thỏa thuận trước thềm INC-3 sẽ diễn ra tại Nairobi, Kenya, từ ngày 13 – 19 tháng 11 năm 2023.

Kết quả quan trọng đạt được từ INC-2 tại Paris – Pháp (29/5 – 2/6/2023) là sự đồng thuận của 170 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về việc chuẩn bị cho Bản dự thảo số “0” (Zero Draft) của Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa, và quan điểm về cách tiếp cận theo toàn bộ vòng đời của nhựa, tạo ưu tiên cho những công cụ cần thiết giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, từ khâu thiết kế sản phẩm đến xử lý rác thải sau khi sử dụng, khuyến khích các lựa chọn thay thế bền vững và thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm. Quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ từ đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam, chủ trì bởi Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Tài nguyên và Môi trường, với kiến nghị cụ thể hơn cho các nội dung được chọn làm nghĩa vụ của Thỏa thuận trên cơ sở xem xét trình độ phát triển của từng nước, đặc biệt trong việc quản lý kế hoạch hành động quốc gia, báo cáo quốc gia và cơ chế giám sát, đánh giá cũng như chế tài xử lý vi phạm.

Theo Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – BTNMT, nhấn mạnh “Thỏa thuận toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách về môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải nói chung, bao gồm chất thải nhựa; nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi những hành vi thường ngày trong sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái sử dụng cũng như thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình; trực tiếp thực hành những đổi mới, các giải pháp hữu ích thân thiện trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, Quản lý Chương trình hóa chất, chất thải và kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam, đơn vị trực tiếp đầu tư thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa, đồng thời chủ trì Ban thư ký NPAP Việt Nam, cho biết: “NPAP và UNDP Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng đoàn công tác liên ngành của chính phủ tại các phiên đàm phán tiếp theo, thông qua những hỗ trợ kỹ thuật, huy động các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, các đơn vị ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ và quốc tế, hiệp hội và đơn vị nghiên cứu, tham gia và đóng góp ý kiến phù hợp với điều kiện trong nước và hài hòa với thông lệ của quốc tế nhằm xây dựng một bản đề xuất của Việt Nam hướng tối một Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa”.

  1. Quách Thị Xuân, Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam – đơn vị đồng hành cùng Đoàn công tác liên ngành của chính phủ tại INC-2, chia sẻ rằng: “Hiệp ước nhựa toàn cầu là cơ hội để các nước cùng nhau giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các nước phải cân nhắc kỹ mức cam kết của nước mình để đảm bảo đồng thời các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Do vậy, PE khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng đoàn Việt Nam trong quá trình đàm phán hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu với mong muốn Việt Nam sẽ thể hiện quan điểm tiến bộ, ủng hộ quá trình ra quyết định dân chủ, ủng hộ mạnh mẽ các giải pháp hướng đến giảm nhựa và ô nhiễm nhựa trên cơ sở tham vấn rộng và sâu các bên liên quan trong và ngoài nước”.

Tại hội thảo, đại diện của các bộ ban ngành (như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) và đối tác khác, gồm doanh nghiệp (Dow Viet Nam, TOMRA…), các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế (như PEVN, VPA, UNDP, WWF, IUCN…) cũng chia sẻ quan điểm và những giải pháp hữu ích, trong đó gắn quy định với từng hành động thực tiễn chống lại ô nhiễm nhựa. Một trong các kiến nghị là sự chuẩn bị thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trên cơ sở gắn kết và tạo cơ hội cho mạng lưới lao động phi chính thức, vừa thúc đẩy thu gom và tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển toàn diện; hay nghiên cứu, xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom và nâng cao năng lực cho người lao động để sẵn sàng khi Thỏa thuận toàn cầu được thông qua.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu có hình dung rõ ràng hơn quá trình đàm phán của Thỏa thuận toàn cầu về nhựa và sự chuẩn bị của Việt Nam hướng tới INC-3. Đặc biệt, nhiều đối tác đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động riêng, đón đầu những thay đổi về chính sách theo hướng tích cực, khi Việt Nam chung tay cùng khu vực và thế giới giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, định hình nền kinh tế nhựa tuần hoàn và bền vững.

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP)

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), chủ trì bởi UNDP Việt Nam, là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa chính phủ và các đối tác khác để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động. Trưởng Nhóm Công tác (Leadership Board) của Chương trình là Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cùng 34 đại diện cấp cao thuộc các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực chống ô nhiễm nhựa ở Việt Nam, đã thông qua kế hoạch hoạt động năm 2023 và định hướng đến năm 2025, trong đó tập trung thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo, khơi dòng tài chính; phổ biến chính sách; và phát triển toàn diện trong chuỗi giá trị nhựa.

 

Tổ chức môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PEVN)

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) là một tổ chức 501c3 của Mỹ được thành lập vào năm 1987, trụ sở chính đặt tại San Francisco với các văn phòng ở Anchorage, Alaska, Chongqing, Trung Quốc và sắp tới ở Việt Nam. PE có sứ mệnh bảo vệ con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái thông qua các hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn biển, giảm ô nhiễm nhựa và chất thải rắn, thúc đẩy các hoạt động tích cực ở cấp địa phương, tăng cường năng lực cho cộng đồng và định hình các chính sách quốc tế. Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương có tầm nhìn về một thế giới bền vững với các cộng đồng hưng thịnh, xã hội tiến bộ, quyết sách toàn diện và chia sẻ các nguồn lực một cách hợp lý.

 

Thông tin liên hệ

 

 

Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP Việt Nam)

Chủ trì bởi UNDP Việt Nam

 

Ms. Nguyễn Hải Yến

Cán bộ kết nối và truyền thông

Email: vietnam@globalplasticaction.org

Nguyen.hai.yen@undp.org

Website: https://www.globalplasticaction.org/vietnam

Điện thoại: 0919348686

 

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PEVN)

 

Ms. Trần Thị Kim Tuyến

Quản lý truyền thông

Email: vietnam@pacificenvironment.org

Website: www.pacificenvironment.org

Điện thoại: 081 7093768

 

Vụ Hợp tác Quốc tê – Bộ Tài Nguyên và Môi trường

 

Ms. Vũ Thùy Dung

Chuyên viên

Email: vtdung@monre.gov.vn

Website: https://monre.gov.vn/

Điện thoại: 0915323313